Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thị trường ngoại hối là gì?

Để làm rõ khái niệm về thị trường ngoại hối, trước hết ta cần phải hiểu rõ ngoại hối là gì.

Ngoại hối là thuật ngữ dùng để chỉ các công cụ sử dụng trong giao dịch quốc tế.

Theo khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, những công cụ giao dịch bao gồm:

– Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (hay còn gọi là ngoại tệ);

– Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm:séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;

– Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

– Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ quốc gia;

– Đồng tiền của quốc gia trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ đất nước hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, ở một số quốc gia trên thế giới công nhận tiền mã hóa (như Bitcoin, Ethereum,…) là một hình thái của ngoại hối.

Như vậy, thị trường ngoại hối (hay còn gọi là Forex) chính là thị trường cho phép diễn ra các hoạt động ngoại hối, bao gồm việc mua bán ngoại tế, các phương tiện thanh toán ngoại tệ, các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu,…

Ở thị trường ngoại hối, các ngân hàng lớn trên thế giới sẽ là những đối tượng giao dịch chính. Các đối tượng giao dịch khác của ngoại hối là những nhà môi giới ngoại hối (Forex Broker) sẽ thông qua các sàn giao dịch trực tuyến để cung cấp quyền truy cập vào thị trường ngoại hối và những nhà đầu tư cá nhân là các cá nhân đầu tư ngoại tệ để hưởng lợi nhuận chênh lệch giá.

2. Cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối

Cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối chính là việc giao dịch theo các cặp tiền tệ với nhau, tức là khi nhà đầu tư mua một loại tiền tệ nào đó bất kỳ, thì nhà đầu tư đó cũng sẽ bán đi một loại tiền tệ khác.

Có 3 cặp tiền tệ được giao dịch tại thị trường ngoại hối, đó là:

+ Cặp chính: Là cặp ghép giữa đồng USD (Đồng đô la Mỹ) với một loại tiền tệ bất kỳ của quốc gia khác (VD: USD – EUR,USD – JPY, USD – CAD,…).

+ Cặp chéo: Là cặp không bao gồm đồng USD, ghép giữa các loại tiền tệ chính khác (VD: EUR – JPY, NZD – CAD).

+ Cặp kỳ lạ khác: Là cặp ghép giữa một loại tiền tệ chính với một loại tiền tệ từ nền kinh tế khác mới nổi (VD: USD – HKD, JPY – MXN,…).

3. Kinh doanh ngoại hối có hợp pháp tại Việt Nam không?

Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động ngoại hối của các tổ chức tín dụng như sau:

– Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi là tổ chức tín dụng được phép).

Theo đó, chỉ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới được phép kinh doanh ngoại hối.

Cá nhân, tổ chức khác chỉ được phép tham gia thị trường ngoại tệ khi thuộc đối tượng người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam theo khoản 2, khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013).

(Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 70/2014/NĐ-CP)

Trân trọng!