giao dịch swap
giao dịch swap

Giao dịch hoán đổi ngoại tệ (hay còn gọi là giao dịch SWAP) là một trong những loại hình giao dịch về ngoại tệ được thực hiện phổ biến ở các thị trường ngoại hối, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, khách hàng cần hiểu rõ những đặc tính của giao dịch hoán đổi ngoại tệ để đảm bảo lợi ích và an toàn trong quá trình thực hiện giao dịch.

Hãy cùng ACB tìm hiểu những thông tin về đặc tính, quy định và những yếu tố khác cần lưu ý khi thực hiện loại giao dịch này ở bài viết dưới đây nhé!

Giao dịch hoán đổi ngoại tệ là gì?

Giao dịch hoán đổi ngoại tệ, hay có tên gọi khác là giao dịch hoán đổi ngoại hối, là giao dịch giữa hai bên, bao gồm một giao dịch mua và một giao dịch bán cùng số lượng một đồng tiền này với một đồng tiền khác với tỷ giá của hai giao dịch xác định tại thời điểm giao dịch và ngày thanh toán của hai giao dịch là khác nhau.

Thế nào là giao dịch hoán đổi ngoại tệ?

Đối với giao dịch hoán đổi ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ thực hiện đồng thời hai loại giao dịch: hai giao dịch giao ngay, hoặc hai giao dịch kỳ hạn, hoặc một giao dịch giao ngay và một giao dịch kỳ hạn . Trong đó, tỷ giá hai giao dịch mua và bán được xác định ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng giao dịch.

Thế nào là giao dịch hoán đổi ngoại tệ?

Thế nào là giao dịch hoán đổi ngoại tệ?

Trên thực tế, thị trường giao dịch ngoại hối hiện nay không còn giới hạn giữa hai bên giao dịch là khách hàng với khách hàng, mà được mở rộng với nhiều đối tượng: giao dịch giữa các ngân hàng, giữa khách hàng với ngân hàng, chủ thể cá nhân với doanh nghiệp. Loại hình giao dịch hoán đổi ngoại tệ phổ biến nhất ở nước ta hiện nay là giao dịch hoán đổi giao ngay trong kỳ hạn xác định không quá 365 ngày kể từ ngày giao dịch.

Những quy định về giao dịch hoán đổi ngoại tệ

Bất kỳ loại giao dịch đều có những quy định về cách thức và phạm vi thanh toán. Đối với giao dịch hoán đổi ngoại tệ (giao dịch hoán đổi ngoại hối), khách hàng cần tuân thủ các quy định như sau:

Quy định về phạm vi giao dịch:

Căn cứ tại điều 4 thông tư Số: 02/2021/TT-NHNN ngày 31/03/2021 , phạm vi giao dịch của loại hình này bao gồm:

1.Tổ chức tín dụng được cho phép thực hiện các giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi và giao dịch quyền chọn với các tổ chức tín dụng được phép khác.

2.Tổ chức tín dụng được phép thực hiện các giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi và giao dịch bán quyền chọn với các tổ chức kinh tế.

>>> Sự khác biệt giữa giao dịch ngoại tệ và giao dịch chứng khoán

Quy định về đồng tiền và tỷ giá thực hiện giao dịch:

Căn cứ tại điều 5 thông tư Số: 02/2021/TT-NHNN ngày 31/03/2021 , đồng tiền giao dịch và tỷ giá giao dịch được quy định như sau:

1.Ngân hàng phải đưa ra quy định các ngoại tệ được phép giao dịch tại ngân hàng của mình.

2.Tỷ giá giao ngay giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong các giao dịch giao ngay hoặc giao dịch giao ngay trong giao dịch hoán đổi sẽ được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại ngày giao dịch với phạm vi biên độ tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định.

3.Tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong các giao dịch kỳ hạn hoặc giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi do các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận, tuy nhiên không tỷ giá thỏa thuận không được vượt quá mức tỷ giá được xác định trên cơ sở:

a) Tỷ giá giao ngay tại ngày thực hiện giao dịch;

b) Chênh lệch giữa 2 mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố và lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Funds Target Rate). Trường hợp lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ nằm trong khoảng biên độ, các bên tham gia có thể áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong khoảng biên độ đó.

c) Kỳ hạn của giao dịch.

4.Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác ngoài Đô la Mỹ; tỷ giá giữa các ngoại tệ với nhau trong giao dịch ngoại tệ do các bên thỏa thuận.

5.Ngân hàng cần phải niêm yết tỷ giá giao ngay giữa Đồng Việt Nam và các ngoại tệ trong giao dịch với khách hàng tại tất cả địa điểm giao dịch ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép và trên trang website chính thức của ngân hàng.

Những nhân tố ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ mà khách hàng cần biết

Thị trường tiền tệ trên thế giới luôn có sự biến động, và dưới đây là một số tác nhân chính gây ra sự biến động đến thị trường tài chính – ngoại hối – tiền tệ mà bạn cần xem xét:

Tác nhân nào ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ?

Tác nhân nào ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ?

Sự kiện kinh tế vĩ mô

– Lãi suất và lạm phát:

Lãi suất và lạm phát có mối quan hệ mật thiết với nhau trong việc ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Một vài chỉ số lạm phát tăng – ví dụ như tăng giá hàng hóa và dịch vụ trong phạm vi nhất định – vẫn là một yếu tố lành mạnh cho nền kinh tế khi cho thấy nhu cầu tiêu dùng tăng so với nguồn cung.

Tuy nhiên, nếu như chỉ số lạm phát tăng quá cao thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố khác trong nền kinh tế và từ đó, các Ngân hàng Trung ương sẽ phải cân nhắc xem xét thiết lập lại cân bằng bằng việc điều chỉnh lãi suất tăng hoặc giảm phụ thuộc vào tình hình lạm phát.

Đối với riêng thị trường tiền tệ, khi lạm phát tăng, Ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất cơ bản để hút dòng tiền vào các ngân hàng thương mại. Điều này khiến cho đồng nội tệ khan hiếm hơn dẫn đến làm tăng giá trị của nó so với các ngoại tệ khác.

Ngược lại, khi xảy ra tình trạng giảm phát, ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất cơ bản để đẩy dòng tiền nội tệ ra thị trường. Khi lãi suất giảm thì người dân và doanh nghiệp thay vì gửi tiền vào ngân hàng thì sẽ có xu hướng vay tiền để đầu tư và chi tiêu tiêu dùng do chi phí vay rẻ, từ đó khiến giá trị đồng nội tệ giảm so với các ngoại tệ khác.

– Cung – cầu ngoại tệ:

Những thay đổi trong chính sách tiền tệ như mở rộng hay thắt chặt đều tác động đến thị trường tiền tệ. Chính sách tiền tệ mở rộng sẽ tăng cung tiền, tỷ giá hối đoái giảm. Ngược lại, khi chính phủ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, cầu cao hơn cung tiền, dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng, làm biến động thị trường ngoại tệ.

– Cán cân thanh toán quốc tế:

Cán cân thanh toán quốc tế (hay cán cân thương mại) có thể tác động đến thị trường tiền tệ thông qua tỷ giá hối đoái. Mối quan hệ thương mại của một quốc gia so với các quốc gia khác cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng nội tệ so với ngoại tệ của quốc gia đối tác thương mại đó.

Khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu (hay còn gọi là nhập siêu hay thâm hụt thương mại). Điều này sẽ khiến cho quốc gia đó phải sử dụng nhiều đồng ngoại tệ hơn để thanh toán cho đối tác nước ngoài, từ đó khiến loại ngoại tệ đó khan hiếm hơn đồng nội tệ và đồng nội tệ sẽ bị giảm giá trị.

Ngược lại, nếu quốc gia xuất khẩu nhiều hơn (hay còn gọi là xuất siêu hay thặng dư thương mại), đồng tiền nội tệ sẽ mạnh hơn so với những quốc gia bị thâm hụt thương mại.

Sự kiện địa chính trị

Những sự kiện địa chính trị như bất ổn chính trị, nội chiến hoặc bất kỳ yếu tố không chắc chắn ở một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền của quốc gia đó. Những thay đổi trong quan hệ thương mại, thuế quan, sự xuất hiện hay bãi bỏ bất kỳ hiệp định thương mại nào đều ảnh hưởng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia, từ đó dẫn đến cán cân ngoại tệ – nội tệ thay đổi và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính – tiền tệ.

>>> Doanh nghiệp nên đọc gì trước khi giao dịch ngoại hối?

Những lợi ích khi tham gia giao dịch hoán đổi ngoại tệ là gì?

Lợi ích từ việc tham gia giao dịch hoán đổi ngoại tệ

Lợi ích từ việc tham gia giao dịch hoán đổi ngoại tệ

Với những đặc điểm nổi bật, người tham gia giao dịch hoán đổi ngoại tệ (giao dịch hoán đổi ngoại hối) sẽ hưởng những lợi ích sau:

Tránh những rủi ro khi thanh toán quốc tế

Khi thực hiện thanh toán quốc tế, các bên thường chịu rủi ro ngoại hối do sự thay đổi bất lợi của tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền tham gia giao dịch. Rủi ro này có thể được giảm thiểu nhờ cơ chế xác định tỷ giá hối đoái giao dịch tại thời điểm ký kết hợp đồng, từ đó giúp các bên không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá trước khi giao dịch được thực hiện.

Giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh

Khi tham gia giao dịch hoán đổi ngoại tệ, doanh nghiệp có thể kiểm soát các rủi ro về tiền tệ, lãi suất, thanh khoản cũng như mang đến sự linh hoạt trong việc quản lý chi phí và dòng tiền một cách hiệu quả, tận dụng được nguồn tiền sẵn có.

Cơ hội gia tăng lợi nhuận trong quá trình hoạt động kinh doanh

Với đặc tính xác định tỷ giá cố định, doanh nghiệp có thể tính toán và tránh được những chênh lệch và chi phí phát sinh ngay từ khi ký kết hợp đồng. Đồng thời, giao dịch hoán đổi ngoại hối cũng giúp doanh nghiệp có cơ hội hưởng chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, cũng như mang đến cơ hội tiếp cận thị trường mới nhờ tăng khả năng tiếp cận các loại tiền tệ và thị trường tiền tệ khác nhau.

>>> Hướng dẫn công thức tính tỷ giá ngoại tệ

Trên đây là những chia sẻ của ACB về loại hình giao dịch hoán đổi ngoại tệ. Nếu có bất kỳ thắc mắc về thanh toán quốc tế, hãy liên hệ ACB để được tư vấn và hỗ trợ.

***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 – (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.