„Giấy tờ!“ các sĩ quan Gestapo gầm lên, khi cô bé Betty Eppel 7 tuổi cùng cậu em trai 5 tuổi Jacques và người bố Shmuel năm 1942 sử dụng nhân thân giả đi tầu hỏa chạy trốn khỏi Valenciennes ở miền Bắc nước Pháp đến Dullin ở miền Nam nước Pháp. Các sĩ quan không nhận ra giấy tờ nhân thân bị làm giả và cho gia đình Do Thái này đi tiếp. Trong khuôn khổ một hoạt động kỷ niệm Ngày tưởng niệm cuộc thảm sát người Do Thái do Ủy ban hòa bình Việt Nam, Liên hiệp quốc,
Đại sứ quán Đức và Đại sứ quán Israel tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/3/2023 bà Betty Eppel, nay đã 87 tuổi, đã mô tả một cách sâu sắc, bà, em trai bà và người bố của bà đã chạy trốn khỏi bọn quốc xã Đức và lẩn trốn trước những kẻ đó ở miền Nam nước Pháp như thế nào. Công chúng, trong đó có nhiều sinh viên Học viện Ngoại giao và thành viên Đoàn Ngoại giao, đã bàng hoàng lắng nghe câu chuyện đầy xúc động của bà Betty Eppel. Mẹ và em trai của bà đã không chạy thoát khỏi bọn quốc xã và đã bị giết hại trong trại tập trung Auschwitz.
Đại sứ Israel, ông Yaron Mayer, trong bài phát biểu của mình, cũng đã mô tả là trong thời niên thiếu của mình, ông là một trong số ít con trẻ vẫn còn ông bà – ông, bà của ông Đại sứ đã kịp chạy thoát khỏi bọn quốc xã từ Budapest – trong khi nhiều ông, bà của các bạn ông đã bị giết hại trong cuộc thảm sát người Do Thái. Ông nêu bật việc 6 triệu người Do Thái đã bị giết hại một cách có hệ thống trong chế độ quốc xã và tuyên bố là những người sống sót sau cuộc thảm sát có một vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống lại sự quên lãng. Hồi tưởng lại cuộc thảm sát và chuyển giao sự hồi tưởng đó đến thể hệ trẻ là một nghĩa vụ.
Đại sứ Đức, ông Guido Hildner, cám ơn Đại sứ Israel về lời mời tham dự Lễ kỷ niệm chung Ngày tưởng niệm cuộc thảm sát người Do Thái. Ông đặc biệt cám ơn bà Betty Eppel đã mô tả số phận của bà và gia đình bà. Số phận của bà và gia đình bà là ví dụ điển hình cho số phận của 6 triệu nạn nhân. Cho dù đường đời của các nạn nhân là rất khác nhau, nhưng họ có chung một số phận: họ đã bị giết hại, vì họ là người Do Thái.
Ông là Đại sứ Đức, là đại diện của đất nước phải chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát người Do Thái. Cuộc thảm sát là một sự đứt gãy trong nền văn minh, là điểm sâu tuyệt đối trong lịch sử Đức và sẽ mãi mãi là như thế. Đến ngày nay ông vẫn tự hỏi, làm sao việc đó lại có thể xảy ra được, và không tìm được câu trả lời.
Xử lý vụ thảm sát người Do Thái là một thành phần cốt yếu trong chính sách văn hóa của Đức. Việc đó vừa đau đớn và vừa không thể tránh khỏi. Đó là một nghĩa vụ sẽ không bao giờ kết thúc.
Vì không thể loại trừ được hoàn toàn một vụ việc tương tự như cuộc thảm sát người Do Thái có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta phải cảnh giác và tự bảo vệ mình. Một trong những hình thức hồi tưởng mạnh mẽ nhất là gặp gỡ những người sống sót như gặp gỡ bà Betty Eppel ngày hôm nay.
Phó chủ tịch ủy ban hòa bình Việt Nam, ông Trần Đắc Lợi nói rằng, sau khi lên cầm quyền, chỉ trong một thời gian rất ngắn bọn quốc xã đã xóa bỏ cuộc sống của 6 triệu người Do Thái. Chính vì thế nhân dân Việt Nam chia sẻ nỗi đau với cộng đồng người Do Thái và nỗ lực cho một thế giới hòa bình hơn và tốt đẹp hơn.
Đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis trong bài phát biểu của mình đã trích dẫn lời của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres. Nhân dịp Ngày quốc tế tưởng niệm cuộc thảm sát người Do Thái, ông đã nhấn mạnh rằng, việc hồi tưởng lại cuộc thảm sát là một lời kêu gọi luôn cảnh giác và không bao giờ im lặng khi đối mặt với thù hận, không bao giờ chấp nhận thái độ bàng quan và không bao giờ làm ngơ trước đau khổ của người khác. Hàng ngày tất cả chúng ta phải có nghĩa vụ chống lại cái ác trong mọi hình thức và đấu tranh cho một thế giới với hòa bình, các quyền con người và nhân phẩm của mỗi con người.
Để tưởng nhớ 6 triệu nạn nhân người Do Thái đã chết trong cuộc thảm sát, các bạn trẻ Việt Nam đã thắp 6 ngọn nến. Làm nền cho Lễ kỷ niệm là âm nhạc của các nhạc sĩ thuộc Inspirito School of Music. Cuối Lễ kỷ niệm các vị khách có thể ghi lại những thông điệp hòa bình của mình trên một tấm bảng. „Never forget“ và „never again“ – những thông điệp này nói lên tất cả.